Ngay sau khi báo chí phản ánh về hiện trạng ngành dệt may trong gặp nhiều khó khăn trong EVFTA, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phối hợp xử lý.
Thực tế, theo báo chí nêu, một số địa phương hiện đang dị ứng với các dự án dệt nhuộm để cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và xa hơn là phát triển công nghệ dệt, phụ trợ cho dệt may.
Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết các dự án dệt nhuộm bị các địa phương dị ứng, từ chối, trong đó có Vĩnh Phúc, Đà Nẵng thời gian vừa qua…
Theo một số hiệp hội, doanh nghiệp dệt may, nguyên nhân từ chối phần lớn là các địa phương không có các khu công nghiệp tập trung để xử lý các vấn đề về môi trường, nước thải của ngành dệt nhuộm.
Thực tế, các doanh nghiệp khâu dệt nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhất trong chuỗi sản xuất hàng dệt may. Tuy nhiên nếu được xử lý tập trung, có công nghệ xử lý nước thải tốt, đồng bộ, các nhà máy dệt nhuộm có thể phát triển tốt, bền vững…
Đồng thời, nếu phát triển được các khu công nghiệp dệt nhuộm sẽ là cơ sở tốt để góp phần tạo dựng giá trị gia tăng cho ngành dệt may Việt Nam, tăng tỷ lệ nội địa hóa, truy xuất nguồn gốc xuất xứ của hàng may mặc tại Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu hàng này của Việt Nam đến nhiều thị trường rộng lớn trong CPTPP, EVFTA.
Theo thông tin của báo Diễn đàn doanh nghiệp ngày 9/7: Nếu EVFTA là cao tốc nối với EU thì các địa phương của Việt Nam lại đang trở thành các trạm BOT cản trở doanh nghiệp dệt may chủ động nguyên liệu, tối đa lợi ích.
Tờ báo này nêu, dệt may phụ thuộc nguồn vải nhập khẩu nên khó nâng cao giá trị. Thời gian tới, ngành dệt may phải lấy trọng tâm là sản xuất vải. Để đáp ứng 45% lượng vải vào năm 2020 phải sản xuất thêm 1,7 tỷ mét và 65% vào năm 2020 phải sản xuất thêm 10 tỷ mét. Nhưng đầu tư sản xuất sợi, vải gặp khó khăn do nhiều địa phương từ chối vì lý do môi trường.
Với thông tin này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương làm việc với các địa phương xử lý.